top of page
  • Writer's picturegin-anh-learning

Bí kíp học IELTS Reading chắc chắn hiệu quả mà mình ước mình biết từ 10 năm trước

Điểm IELTS Reading của mình luôn thấp hơn điểm IELTS Speaking những ... 2.0


Là người chơi thuộc hệ nghe nhìn, mình không ít lần bị thất vọng sau khi nhận điểm IELTS Reading (Đọc hiểu) của bản thân.


Năm 2016, lần đầu thi IELTS, mình mang về 8.0 Speaking (Nói) và 6.0 Reading (Đọc).


Năm 2018, lần đầu đạt 8.0 IELTS, mình đạt 9.0 Listening (Nghe), 8.5 Speaking (Nói) - mà chỉ có 7.0 Reading.


Mãi tới 2022, điểm Reading của mình mới đạt 8.5 lần đầu tiên.


Câu hỏi mà mình luôn đặt ra là: “Vì sao điểm số của mình lại có sự chênh lệch lớn như vậy?”, và bao quát hơn nữa là “Vì sao một số học sinh lại chật vật với Reading như vậy, trong khi đây là một kỹ năng tiếp nhận ngôn ngữ (receptive skill)?” - Đáng ra phải dễ hơn Nói hay là Viết chứ nhỉ?


Trong suốt gần 10 năm vừa qua vừa học, vừa dạy, mình dành thời gian nghiên cứu nhiều hơn về những khó khăn của các thí sinh Việt Nam nói chung, và đặc biệt là các thí sinh ở lứa tuổi cấp 3 (chiếm 90% số học sinh học IELTS với mình) nói riêng.


Điều gì khiến thí sinh cảm thấy Reading cay đắng đến vậy?


Thứ nhất, rất nhiều thí sinh gặp phải vấn đề thiếu từ vựng.


Hãy tưởng tượng bạn mở 1 menu không có hình ảnh, chỉ toàn tiếng Ả Rập. Bạn muốn gọi món nhưng chỉ thấy mỗi từ pizza và hamburger là bằng tiếng Anh và bạn hiểu nó là gì. Thế là bạn phải chọn pizza và hamburger thôi. Làm gì có sự lựa chọn nào khác. Chọn cái mình hiểu bao giờ chả an toàn hơn những thứ mình không hiểu, đúng không?


Thứ hai, vẫn là từ vựng, bạn hiểu các từ đơn lẻ trong câu, nhưng ghép vào bạn lại không hiểu gì nữa. Đó chính xác là vấn đề mình và rất nhiều học sinh của mình đã gặp đấy.


Hình dung tiếp nhé: bạn thân của bạn là A, người yêu của bạn là B - hai người này không biết nhau, chỉ bạn biết họ. Một ngày đẹp trời, bạn thấy hai đứa nó cầm tay nhau đi chơi. Bạn không hiểu nổi vì sao đúng không? Chính nó! Đó chính là sự hoang mang của chúng mình khi ghép từ vựng vào mà vẫn chả hiểu câu này là gì cả.


Còn rất nhiều vấn đề khác liên quan tới kỹ năng đọc bài, tìm đáp án, hay quản lý thời gian nữa. Nhưng trong bài này, mình sẽ chia sẻ về bài học chính mình rút ra sau 10 năm khổ luyện IELTS Reading và nó đã có hiệu quả với không chỉ mình, mà còn hàng trăm học sinh đang học tại Ginny House nữa nha.


Phương pháp "Learning vocabulary in chunks" - Học từ vựng theo cụm từ


Đây là một phương pháp đã được Cambridge nghiên cứu và giới thiệu vào năm 2019. 


Tất nhiên là mình sẽ không nói nhiều về việc nghiên cứu đâu, vì đó không phải hệ của mình. 


Mình chỉ muốn nói là: phương pháp này không chỉ là tự mình nhận ra nó hiệu quả, mà còn đã được "cha đẻ" của IELTS (và nhiều nhà khoa học khác) chứng minh là có hiệu quả thật sự.





"Chunks" là gì?


"Chunks" được định nghĩa là bất cứ cái gì thuộc về ngôn ngữ mà không thuộc về "Ngữ pháp" hoặc "Từ vựng đơn lẻ".


"Chunks" - cụm từ - có thể là:

  • Collocations (các từ hay xuất hiện cùng nhau một cách thường xuyên) như là: heavy rain, cause an effect on, ...

  • Fixed expression (cụm từ cố định có cấu trúc và nghĩa không thay đổi) như là: by the way, like this, ...

  • Formulaic utterances (cụm từ hoặc câu được sử dụng lặp đi lặp lại, mang tính tự động và không cần suy nghĩ nhiều khi nói) như là: I'm on my way, no way!, hello, ...

  • Sentence starters (cụm từ mở đầu câu) như là: What I mean is ..., For me, ...

  • Verb patterns (cụm động từ) như là: to make room for, to handle something, ...

  • Idioms and catchphrases (thành ngữ và khẩu hiệu) như là: break a leg, unbelievable, ...


Như vậy, các cụm từ vựng chứa nhiều hơn một từ, đã quy ước để gắn liền với một định nghĩa, có tính chất thành ngữ, có tính chất cố định, và thường được học/nói ra như một từ vựng (holophrase).


Học từ vựng đơn lẻ thì có sai không? - Không!


Khả năng cả bạn và mình đều đã ít nhất một lần học từ vựng kiểu che tiếng Anh, viết tiếng Việt, và ngược lại. Bạn có thấy nó hiệu quả không?


Mình thấy ít nhất nó giúp mình thuộc tất cả 200 từ vựng trong 1 buổi chiều, và không bị chép phạt trong buổi học tiếng Anh vào lúc 7h tối. Như vậy đã là có ích rồi nhỉ?


Nhưng nếu chúng mình chỉ dừng lại ở việc học thuộc lòng như vậy, từ vựng sẽ tự biến mất khỏi trí nhớ của mình trong vòng 1 tuần tới. Hơi buồn vì đó là thực trạng học tiếng Anh của đa số học sinh cấp 3 bây giờ.


Vậy sai ở đâu, và giải pháp là gì?


Chúng mình đâu cần học 200 từ vựng trong 1 ngày để đạt 8.5-9.0 Reading đâu?


Việc chúng mình cần là nghiên cứu từ vựng đó một cách cụ thể, chi tiết và thực sự hiểu từ vựng ấy có thể có mấy nghĩa, trong những hoàn cảnh nào thì nghĩa là gì, khi ghép từ này vào câu này, đoạn này trong bài Reading thì nó mang nghĩa là gì?


Chúng mình cùng xem ví dụ nhé.


Sự khác biệt giữa Học cụm từ và Học từ vựng đơn lẻ


Học cụm từ:

  • Cụm từ: "take into account"

  • Ngữ cảnh: Cụm từ này có thể xuất hiện trong một cuộc thảo luận về quá trình ra quyết định trong kinh doanh (chủ đề business and economics) hoặc hoạch định chính sách (chủ đề politics).

  • Ứng dụng: Trong câu: "Policymakers must take into account economic, social, and environmental factors". Việc hiểu cụm từ "take into account" giúp chúng mình hiểu được sự phức tạp và độ rộng của các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình hoạch định chính sách.


Học từ vựng đơn lẻ:

  • Từ vựng: "account"

  • Vấn đề: Việc học từ "account" riêng lẻ có thể khiến việc hiểu bài của chúng mình bị ảnh hưởng, bởi chúng mình thường nhớ "account" là một danh từ liên quan tới Tài chính. Nếu không học cả cụm "take into account", ý nghĩa của câu "Policymakers must take into account economic, social, and environmental factors" hoàn toàn trở nên vô nghĩa, và dù chúng mình có cố gắng thế nào thì cũng chưa chắc đã hiểu nổi vì sao các nhà hoạch định chính sách lại phải mang các yếu tố về kinh tế, xã hội, và môi trường, vào trong ... tài khoản ngân hàng?!?


Tại sao "Học theo cụm từ" hiệu quả hơn?


Thành thạo ngữ cảnh

Các cụm từ như "take into account" mang các ý nghĩa cụ thể và quan trọng để hiểu hết các hàm ý của một câu trong đoạn văn. Điều này giúp chúng mình hiểu rõ hơn các ý tưởng được thảo luận trong bài.


Cải thiện độ chính xác của câu trả lời

Nhiều câu hỏi trong phần Đọc của IELTS yêu cầu chúng mình hiểu các hàm ý của những gì được trình bày trong văn bản. Biết các cụm từ giúp mình trả lời những câu hỏi trong bài một cách chính xác hơn, vì mình đã quen với cách các ý tưởng thường được thảo luận rồi.


Đọc lướt hiệu quả hơn

Nhận biết và hiểu các cụm từ giúp việc lướt qua (skimming) và quét nhanh (scanning) các văn bản hiệu quả hơn, cho phép chúng mình xác định thông tin liên quan một cách nhanh chóng hơn. Như thế, nó cũng giúp tiết kiệm kha khá thời gian đấy.


Kết


Nhìn chung, học cụm từ không phải là một phương pháp mới, nhưng mình lại chưa thấy một số thí sinh (cụ thể là thí sinh của mình) hiểu hết được tác dụng "vi diệu" của nó, cũng như chưa ứng dụng được phương pháp này một cách hiệu quả.


Hy vọng rằng tất cả chúng mình sẽ sớm đạt điểm cao trong IELTS Reading nhé.


Xin phép nhả vía 8.5 Reading cho những ai cần ạ. Còn mình thì đi xin vía 9.0 Reading cho lần thi sắp tới nhaaaa




Bài viết thuộc thử thách Viết Đều và Hay của Writing On The Net Alumni


59 views0 comments

Comments


bottom of page