top of page
  • Writer's picturegin-anh-learning

Chấm, chữa bài Speaking sao cho hiệu quả


Trước kia, cá nhân mình chấm chữa Speaking thường chú trọng vào từ vựng, ngữ pháp bởi bị ảnh hưởng bởi lối tư duy, học tập trên lớp ngày trước. Tuy nhiên, trên thực tế, điểm từ vựng chỉ chiếm 25%, ngữ pháp chiếm 25% chứ không phải toàn bộ bài thi Speaking.

Thay vào đó, chúng ta còn cần chú trọng thêm vào phần phát âm và diễn đạt nữa. Chứ nếu dùng từ khó, ngữ pháp hay mà không phát âm chuẩn, diễn đạt rõ ràng cho cho người đối diện hiểu được ý kiến, quan điểm của bạn thì tất cả không có nghĩa lý gì cả.

4 năm trở lại đây, mình thường động viên các bạn học sinh, đặc biệt các bạn đã ở band điểm thấp rằng: trước hết, các bạn trả lời rõ ràng các câu hỏi của đề bài với vốn từ mà mình có. Các bạn không nên vừa nói rồi vừa tra từ điển để chèn thêm từ vựng mà mình mới nghĩa ra, điều này khiến bài nói mất tự nhiên và ngắt quãng, việc học Speaking cũng bị thụ động hơn nhiều. Các bạn hoàn toàn có thể lên dàn ý sơ bộ và ghi chú một vài từ vựng sẽ sử dụng trong phần thi nhưng đừng vừa nói vừa tra từ vựng mới thay thế.

Còn đối với các bạn band điểm cao chút thì mình mới yêu cầu cao hơn ở phần từ vựng và ngữ pháp ngoài phần phát âm và diễn đạt.

Dù sao thì chúng ta vẫn đồng ý với nhau rằng: với bài thi Speaking, mục tiêu cuối cùng là thể hiện mạch lạc ý kiến, quan điểm của mình để cho người đối diện hiểu được và được thuyết phục.

Điều đặc biệt nữa, mình cực kỳ “recommend” các thầy cô đi học chấm chữa bài với cựu giám khảo. Sau khi hoàn thành khóa học, mình quả thực như tìm được chân ái. Mình nắm rõ ràng, cụ thể và chuyên sâu hơn về các tiêu chí chấm bài mặc dù đã đọc qua nó trước đó. Khi được thầy dạy và phân tích, mình biết được tận tường hơn vấn đề của học sinh ở đâu và làm thế nào giúp các bạn cải thiện. Tất cả thông tin được đưa ra chính xác hơn thứ kinh nghiệm mà bạn nghĩ là hiệu quả. Quả thật, muốn dạy tốt chúng ta cần trau dồi rất nhiều thứ chứ không chỉ là giỏi tiếng Anh.


Sau khi đi học và quá trình ứng dụng trên thực tế, mình có một vài chia sẻ trong hoạt động chấm, chữa Speaking như sau:


Với chấm, chữa bài Speaking trực tiếp:

  • Học sinh thường sẽ có áp lực phải trả lời ngay sau khi ra đề nên có xu hướng ảnh hưởng tới phần trình bày. Vì vậy giáo viên nên chỉ ghi vắn tắt nhanh phần cần sửa cho các bạn tránh tạo ảnh hưởng tâm lý tiêu cực tới học sinh. Có khi bạn đang note lại phần đáng khen nhưng học sinh lại đan đang nghĩ bạn đang bắt lỗi họ và không thể hiện được hết khả năng của họ.

  • Đặc biệt tránh KHÔNG ngắt lời phần thi của học sinh.

  • Sử dụng phương pháp “Bánh sandwich”: 1 khen, 1 góp ý, 1 khen để tạo động lực cải thiện lỗi sai cho học sinh và giúp các bạn nhìn nhận lỗi sai một cách dễ chịu hơn.

  • Không chỉ ra quá 3 lỗi sai: Chúng ta sửa lỗi sai dựa trên band điểm và khả năng của các bạn. Đặc biệt, tìm ra 3 lỗi sai mà các bạn có thể sửa nhanh và tốt nhất trong thời điểm đó và dần dần cải thiện các vấn đề khác, thay vì học sinh đang band điểm 4.5 nhưng đưa ra 10 lỗi sai để các bạn cải thiện lên band 7.0. Điều này sẽ làm cho các bạn thấy ngợp và sợ bài thi IELTS. Phản tác dụng trong việc cải thiện.


Với chấm chữa bài homework:

  • Chấm chữa bài bằng quay video màn hình: Cái này phải gửi lời cảm ơn tới cô Nhung Trần (IELTS Nhung Tran) đã khai phá cho mình. Mọi người tưởng tượng như video reaction ấy. Thông thường, học sinh sẽ nộp bài bằng video, audio. Mình sẽ quay màn hình lại quá trình xem + chấm + chữa, đưa ra feedback, gợi ý ngay nếu câu trả lời của bạn sai, chưa tốt. Phương pháp này vừa mang tính trực quan lại vừa mang tính tức thời. Sau khi áp dụng thì không còn cảnh “phút 2:03: lỗi sai A, nên sửa thành B…” nữa.

Từ khi mình nghiên cứu nhiều hơn và áp dụng cho tất cả các lớp học tại GHOI, 100% học sinh phản tốt tốt với trải nghiệm chữa bài này và hiệu quả học cũng đã có sự cải thiện.

  • Chấm chữa homework thì có thể chấm theo 4 tiêu chí chấm: phát âm, trôi chảy - mạch lạc, từ vựng, ngữ pháp cho dù ít bài tập. Lý do là vì các bạn có thời gian chuẩn bị câu trả lời, chấm theo 4 tiêu chí giúp các bạn có cái nhìn rõ ràng hơn, chi tiết hơn về vấn đề mình đang gặp phải.

  • Quản lý cảm xúc tốt: Trước kia, mình rất dễ bực khi chấm speaking, tuy nhiên sau nhiều lần reflect, mình tự thấy bản thân quả thực hơi “xấu xí”. Học sinh đúng thật là mặc nhiều lỗi sai rất cơ bản và lặp lại nhiều lần nhưng mình tự dặn bản thân rằng: các bạn cần mình hỗ trợ mới tới với mình.

Điều thay đổi này có lẽ mình cần cảm ơn chị Ngọc Nguyễn - Founder của Simple IELTS, Trainer tại EDUCAP. Chị từng chia sẻ với mình: “Being nice is a sign of being professional” - Tạm dịch: Tử tế là một cách để thể hiện sự chuyên nghiệp. Mình thực được truyền cảm hứng rất nhiều từ câu nói ấy. Đúng là như thế, nhiệm vụ của mình - một người giáo viên không là giúp học sinh yêu thích và cải thiện trình độ tiếng Anh, không phải tới lớp để rồi thêm sợ tiếng Anh và sợ cả cô giáo. Hơn nữa, đối với mình, tạo hiệu quả học tập bằng động lực tốt hơn áp lực. Mình không có quan điểm “Áp lực tạo kim cương”. Không phải ai cũng là than đá (cái này mình đọc được, chứ mình không phải học sinh giỏi Hoá haha). Bản thân mình là đứa cố gắng nhờ động viên, để mà đạt được những gì mình có bây giờ. Áp lực cho mình là mình khóc, chỉ có nước mắt chứ không ra kim cương được.


Trên đây là một vài phương pháp mà mình áp dụng, các thầy cô nếu có các công cụ nào hiệu quả hơn thì chia sẻ cho mình và mọi người nữa nhé.


Chúc các thầy cô một tuần làm việc hiệu quả!


Comments


bottom of page