top of page
  • Writer's picturegin-anh-learning

PHƯƠNG PHÁP MONITORING TRONG DẠY IELTS



Chia sẻ với các thầy cô một trong những phương pháp mà không thể thiếu khi đi dạy nói chung và dạy tiếng Anh/IELTS nói riêng - đó là Monitoring (Quan sát học sinh làm hoạt động). Monitoring thực ra không khó mà tính hiệu quả rất cao. Tuy nhiên, qua những lớp mà mình tham gia dự giờ và quan sát thì phương pháp này ít được các giáo viên áp dụng triệt để. Mình thấy khá tiếc vì điều đó.


Bởi, monitoring trong lớp học, đặc biệt khi giao bài tập cho học sinh, các giáo viên sẽ có thể:

  • Hỗ trợ học sinh kịp thời bất cứ khi nào họ cần

  • Bạn sẽ nắm bắt được ngay rằng họ có đang thật sự thực hiện nhiệm vụ, bài tập mà bạn giao không.

  • Bạn có thể cập nhật được ngay những lỗi sai, khó khăn mà học sinh mình thường gặp để có sự phản hồi, điều chỉnh kịp thời

  • Quan sát được rõ ràng tiến độ làm bài của họ và hướng dẫn các bạn đi tới câu trả lời đúng.

  • Tạo không gian để có thể trao đổi mở giữa cô và trò, đồng thời hạn chế việc bỏ sót những vấn đề mà các bạn đang gặp

  • Nếu học sinh không tập trung, bạn hoàn toàn ngay lập tức kéo họ về lớp học.

  • Và tất cả những yếu tố trên sẽ làm nên một lớp học hiệu quả.


Vậy áp dụng monitoring là gì, cụ thể ra sao ạ?

Khi training cho các giáo viên, trợ giảng mới ở GHOI, mình vẫn cứ trêu với các bạn rằng: phải lôi hết tất cả các giác quan của con người ra thì mới monitor được hiệu quả. Nói trêu nhưng cũng là thật đó ạ. Trong suốt quá trình đó, các bạn cần vận dụng mắt, tai, trực giác, sự linh hoạt để monitoring hiệu quả nhất. Cụ thể, bạn có thể thực hiện theo trình tự hoặc linh hoạt các hoạt động sau:


  • Rà soát: Giáo viên cần rà soát, theo dõi lại toàn bộ lớp học xem có nhóm, cặp nào có biểu hiện đang gặp sự cố hoặc vấn đề gì khi bắt đầu thực hiện nhiệm vụ không, có sai đề, lạc đề không.

  • Đi dạo quanh: Đây là lúc bạn có thể theo dõi một cách sát sao và cụ thể hơn từng bạn, từng nhóm học sinh. Xem họ đang thảo luận gì, có thực sự đang thực hiện nhiệm vụ không, có ai đó đang không tập trung không. Và nó đảm bảo rằng bạn đang không bỏ sót một nhóm bạn nào trong lớp cả. Tuy nhiên, việc “đi dạo” quanh lớp này cần được thực hiện sao cho học sinh không bị phân tâm, cũng không nên gây ra bất cứ áp lực nào cho học sinh cả. Nếu được, hãy luôn đi nhẹ nhàng ở phía sau lưng học sinh, không dạo trước mặt nhé.

  • Lắng nghe: Nếu như chỉ đi lướt qua để cho các bạn học sinh thấy sự hiện diện của bạn, rồi sợ bạn hơn thì cũng sẽ không có nhiều hiệu quả trong học tập đâu ạ. Cái chúng mình cần triển khai đó là nghe ngóng kỹ hơn, để tâm nhiều hơn vào các cuộc hội thoại của các bạn. Các bạn đang trao đổi những gì, có rào cản hay lỗi sai nào trong đó không.

Hoặc khi các bạn học sinh trực tiếp thảo luận với bạn, thì bạn cần chuyển đổi sự tập trung vào chính học sinh, lắng nghe, tìm ra vấn đề thật và giúp đỡ kịp thời các bạn.

  • Quan sát: Đây sẽ là lúc bạn cần dùng tới đôi mắt nhiều nhất và tập trung hơn cả. Bạn cần cập nhật xem họ có đang ghi chép, thảo luận gì không, bài tập mà bạn giao đã hoàn thành tới bước nào. Giả sử, các bạn đang có vấn đề, giáo viên cũng có thể dừng lại và trao đổi thảo luận mở với các bạn ngay lập tức.

  1. Với lớp học offline: bạn có thể tập trung vào tài liệu mà bạn phát cho học sinh, hoặc file thông tin mà bạn phát qua Google Classroom. Như đã nói ở bài trước, chúng mình sử dụng Google Classroom để phát tài liệu học và bài tập cho học sinh.

  2. Với lớp học online: Bạn có thể nhìn vào những ghi chú, những trang doc, excel online, các phòng thảo luận có thay đổi gì không, tiến độ ra sao và ghi chú như thế nào nhằm ủng hộ, động viên đồng thời có sự hỗ trợ kịp thời nếu cần thiết.


Trên đây là một vài điểm mà mình đã luyện tập và áp dụng trong suốt thời gian qua. Nghe thì dễ nhưng áp dụng hiệu quả thì cần có thời gian để làm quen và bắt kịp, đặc biệt các bạn giáo viên mới. Nhưng khi các bạn đã nhớ được tất cả các bước trên thì mọi thứ sẽ trở nên tự nhiên và hiệu quả hơn.


Nếu trong quá trình áp dụng có bất cứ khó khăn gì, mọi người hoàn toàn có thể trao đổi thêm với mình nhé ạ. Mình sẵn sàng có 1-2 buổi gặp gỡ online để hướng dẫn thêm về monitoring cho các thầy cô còn đang mông lung nha.


Chúc các thầy cô nhiều năng lượng để đón một tuần mới ạ.


Website: www.ginanh.vn



7 views0 comments

Comments


bottom of page