top of page
  • Writer's picturegin-anh-learning

Chữa bài trước lớp khiến học sinh cảm thấy sợ hãi và tự ti?

Updated: Nov 23, 2022


Trong một workshop về IELTS mà GHOI tổ chức, một bạn học sinh đã chia sẻ rằng: “Em thích tham gia chương trình của GHOI, vì bình thường ở trên trường, em không được tôn trọng như thế này!”.

Mình đã rất xúc động nhưng cũng và đã rất buồn. Nó thôi thúc mình tìm hiểu xem, trong quá trình học IELTS, điều gì khiến các em học sinh cảm thấy bị không được tôn trọng như thế, thậm chí là tấn công? Câu trả lời có lẽ đơn giản đến mức khiến mọi người nghi ngờ, nhưng không, đó là sự thật: VIỆC CHỮA BÀI TRƯỚC LỚP CÓ THỂ KHIẾN HỌC SINH GIẢM ĐỘ TỰ TIN VÀ THẤY KHÔNG ĐƯỢC TÔN TRỌNG.



Điều này bắt nguồn từ chuyện không ít thầy cô dạy IELTS thường xuyên mời học sinh lên nói trước lớp, hoặc mang bài viết của các bạn lên bảng cho cả lớp sửa bài. Ở GHOI, việc này chưa bao giờ diễn ra. Có ba lý do chính khiến mình quyết định sẽ không bao giờ đẩy các bạn học sinh rơi vào tình huống “spotlight” kiểu này. Thứ nhất, nó gây hại tới lòng tự tôn của học sinh. Thứ hai, nó không thực sự hiệu quả trong việc học IELTS. Thứ ba, nó không cần thiết.


Về lý do thứ nhất, chúng ta mỗi người phát triển theo hướng khác nhau, tâm lý trưởng thành với mức độ khác nhau. Sẽ có những bạn học sinh không hề cảm thấy tự hào khi được gọi lên bảng để trình bày bài nói hay bài viết của mình, và lại càng không sẵn sàng để chờ đón nhận xét (có thể là phán xét) của thầy cô và bạn bè. Đôi khi không cần các bạn nhận xét, mà chỉ cần cô giáo chỉ ra lỗi sai một cách công khai sẽ khiến họ cảm thấy xấu hổ, giảm mức tự tin bằng không hoặc rơi hẳn xuống con số âm. Mình cho rằng đây có thể xem là một dạng của public shaming ở mức độ nặng, nghĩa là bị công khai bàn tán hay chỉ trích. Một học sinh có nền tảng chưa tốt hoặc không chuẩn bị tinh thần tốt thì tình huống ấy càng tệ hơn, nó khiến các bạn trở nên thất vọng về bản thân và ám ảnh tâm lý. Mặt khác, các bạn học sinh trong cùng một lớp, nền tảng kiến thức và trình độ ở mức ngang nhau, mình cho rằng các em chưa đủ chuyên môn để có thể nhận xét và đưa ra lời khuyên tốt nhất cho bạn mình. Chưa kể, không phải ai cũng có kỹ năng đưa ra bình luận một các khéo léo và văn minh. Một từ bình luận chưa phù hợp có thể gây ra cảm giác “công kích cá nhân”. Và mình cực kỳ không mong muốn nó xảy ra theo hướng đó.

Về lý do thứ hai, trong lớp học IELTS Speaking, gọi học sinh trình bày bài nói trước lớp có vẻ không mấy tác dụng. Rất có thể các em sẽ có xu hướng chỉnh sửa bài nói của mình theo ý chung để phù hợp với tất cả mọi người, giảm đi độ tranh cãi. Điều này lại càng khiến bài Speaking trở nên gượng ép, thiếu tự nhiên. Mà khi nội dung không được tự nhiên, cách diễn đạt, dùng từ, giải thích cũng không còn được tự nhiên nữa. . Nó chính là nguyên nhân kéo điểm của các bạn xuống. Mình không thể phủ nhận rằng trong giáo dục truyền thống, các bạn học sinh được nhắc nhở quá nhiều về chuyện “ở nhà nghe lời ông bà, bố mẹ, tới trường thì “nghe lời thầy cô giáo”. Điều này dường như đã ăn sâu vào tiềm thức và bào mòn tư duy phản biện và dám nói lên suy nghĩ của mình. Vậy nên, đôi khi các em không dám mạnh dạn trả lời sự thật về việc em không thích đi học, hay em cảm thấy quê mình chẳng có nhiều thứ hấp dẫn. Mà mình thì không cho rằng việc giấu giếm quan điểm và cảm xúc của bản thân là điều nên làm. Mình ủng hộ việc các em tự tin chia sẻ, bảo vệ quan điểm cá nhân và thuyết phục ban giám khảo bằng luận điểm mà mình có. Đó là thứ mà không chỉ bài thi IELTS Speaking cần, mà sau này cũng sẽ có nhiều tình huống trong cuộc sống mà các em cần có chính kiến của bản thân như vậy.


Về lý do thứ ba, mình khẳng định rằng việc bắt học sinh trả lời trước lớp IELTS là không cần thiết. Khi đi thi IELTS Speaking, các bạn cần có sự tự tin, sự chuẩn bị tinh thần nhất định vì phải đối mặt với giám khảo là người lạ. Nhưng nó hoàn toàn không phải trước nhiều người lạ, trước một đám đông. Nó là trải nghiệm cá nhân, 1:1 với ban giám khảo. Vậy nên mình cho rằng trong khuôn khổ đó, các em chỉ cần luyện tốt các kỹ năng, vốn từ vựng và có tư duy tốt để trả lời câu hỏi, phản biện và thuyết phục giám khảo là đủ.


May mắn, mình đã trải qua và ý thức được về việc đó, vậy nên ở GHOI, các bài IELTS Writing sẽ được nộp và nhận xét riêng trên Google Classroom. Không có không có chuyện các bạn so sánh ai làm tốt hơn ai, càng không có chuyện bất cứ bài Viết nào được đưa ra phân tích, chỉ trích trước lớp. Chúng mình chắc chắn không bao giờ bác bỏ ý tưởng của học sinh. Nếu học sinh muốn đi sâu về mảng “công nghệ thông tin và giáo dục”, giáo viên không nên nói rằng: Đề tài này không hay, em viết về giao tiếp và giáo dục đi”. Thay vào đó, chúng mình gợi ý cho các bạn phương hướng phân tích, củng cố tư duy, hướng dẫn các em cách nói hoặc viết thuyết phục hơn dựa trên ý tưởng mà các em đưa ra.

Về phần speaking, GHOI ghép cặp hai bạn học sinh có cùng trình độ với nhau vào một nhóm. Và để giảm bớt tâm lý sợ hãi, mình luôn cho thời gian để các bạn chuẩn bị bài một cách kỹ càng, rõ ràng rồi mới ghép cặp. Chẳng hạn, mỗi nhóm (A,B) sẽ thảo luận mỗi đề tài riêng, và ghép cặp 1 bạn A - 1 bạn B. Khi đó cả 2 bạn đều đã có sự chuẩn bị nhất định cho chủ đề của riêng mình. Hai bên sẽ học hỏi lẫn nhau chứ không có chuyện ai đúng ai sai, ai giỏi hơn ai.


Đó là cách GHOI tôn trọng quyền cá nhân của các bạn, cũng như xây dựng một môi trường học tập vừa chuyên nghiệp và nhân văn hơn, vừa hiệu quả hơn. Giữa áp đặt để tiến bộ và khuyến khích để tiến bộ, GHOI chọn vế hai. Vì học sinh không phải là than đá để ép thành kim cương. Và chúng ta - những người dẫn dắt - là người truyền cảm hứng và thúc đẩy học sinh tự tin bứt phá với đúng khả năng của các bạn.


Website: www.ginanh.vn


Comments


bottom of page